Tạo CV trực tuyến

Chúng tôi khuyến khích bạn nên tạo CV online. Bạn có thể tạo CV dễ dàng và ấn tượng từ các mẫu CV của chúng tôi.

Gửi CV mãi mà không nhận được phản hồi, nguyên nhân do đâu?

Trường hợp nhà tuyển dụng không hồi âm CV sau 5 - 7 ngày làm việc hoặc quá thời gian hẹn trước, rất có thể CV của bạn đã bị đánh loại. Nguyên nhân là do cách viết CV xin việc mắc phải những lỗi "chí mạng", không làm rõ được sự phù hợp với vị trí công việc.

Nguyên nhân chính khiến bạn gửi CV nhưng không thấy phản hồi là CV của bạn chưa làm rõ những điểm nổi bật, phù hợp với vị trí công việc. Trong tình huống này, nhiều bạn bối rối không biết nên liên hệ với nhà tuyển dụng khi nào, ra sao để hỏi thăm kết quả CV. Trong bài viết này, Trường Đại học Dầu Khí Việt Nam sẽ chỉ ra cho bạn những lỗi mất điểm trong cách viết CV xin việc và cách khắc phục; cách xử trí chuyên nghiệp khi hỏi thăm kết quả CV.

Nguyên nhân gửi CV xin việc không được nhận phản hồi

1. Lỗi "chí mạng" trong cách viết CV xin việc

Theo khảo sát của JobOKO, người tìm việc thường gặp những lỗi "chí mạng" trong cách viết CV xin việc dưới đây khiến gửi CV mãi mà không nhận được phản hồi. Đây cũng là những lỗi thường gặp khi soạn CV xin việc của nhiều ứng viên theo phản hồi từ nhà tuyển dụng.

1.1. Sai chính tả, trình bày không rõ ràng

Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến nhà tuyển dụng loại ngay CV của bạn. Bởi chính tả, cách trình bày CV thể hiện sự chỉn chu, cẩn thận của bạn trong công việc.

Vì thế, trước khi gửi CV xin việc, hãy kiểm tra lại toàn bộ chính tả, cách trình bày CV và khắc phục lỗi sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, bạn nên chọn các mẫu CV xin việc được thiết kế đúng chuẩn, thay vì tự thiết kế dẫn đến nhiều lỗi thiết kế, trình bày, gây mất điểm với nhà tuyển dụng.

1.2. Mục tiêu chung chung

"Trở thành nhân viên xuất sắc, trở thành Leader trong 3 năm tới"... là một vài ví dụ điển hình cho cách viết mục tiêu chung chung khiến CV trở nên sáo rỗng.

Thay vào đó, bạn cần làm rõ những kỹ năng mà mình muốn cải thiện và thời gian cam kết hoàn thành. Mục tiêu đưa ra cần khả thi, phù hợp với khả năng của mình. Với vị trí thực tập, sinh viên chưa có/ít kinh nghiệm, bạn nên tập trung vào mục tiêu ngắn hạn.

Ví dụ: vị trí Nhân viên Kinh doanh

Trong 3 tháng, nắm vững đặc điểm, tính năng của sản phẩm, đặc điểm tâm lý và nhu cầu của khách hàng, có khả năng giải quyết các vấn đề, thắc mắc của khách hàng về sản phẩm chuyên nghiệp. 6 tháng tiếp theo, xây dựng kỹ năng tư vấn và thuyết phục khách hàng tiêu dùng sản phẩm.

1.3. Kinh nghiệm không phù hợp, không nổi bật

Cố gắng viết càng nhiều kinh nghiệm làm việc trong CV cả kể những kinh nghiệm không phù hợp không giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thay vào đó, bạn cần phân tích JD công việc, đánh giá kinh nghiệm của bản thân và khớp nối các điểm phù hợp giữa JD và kinh nghiệm của mình. Đó là những kinh nghiệm bạn nên ghi vào CV xin việc.

Khi viết kinh nghiệm, hãy lượng hóa công việc để thể hiện hiệu quả và hiệu suất công việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả công việc cũng nổi bật để viết cụ thể trên CV. Vì thế, nếu không viết con số, bạn có thể nêu ra những bài học kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy.

Ví dụ: vị trí Nhân viên kiểm soát chất lượng sản phẩm (QC)

Công ty TNHH ABC, tháng 02/2023 - 09/2023

Nhân viên kiểm soát chất lượng quy trình sản xuất (PQC)

- Triển khai, điều chỉnh các quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm của 22 dây chuyền sản xuất, 70 công nhân/dây chuyền.

- Kiểm tra các công đoạn làm việc của công nhân để đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn.

- Phối hợp làm việc với bộ phận Kiểm soát chất lượng đầu vào (IQC) để xử lý các nguyên, vật liệu không đảm bảo chất lượng.

=> Bài học kinh nghiệm:

- Kỹ năng làm việc nhóm, cập nhật tiến độ công việc chung, các vấn đề cần kết hợp xử lý.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề theo nhiều hướng, kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên để ra quyết định phù hợp sớm nhất có thể.

- Tính trách nhiệm, yêu cầu khắt khe cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

1.4. Kỹ năng thiếu thuyết phục

Liệt kê, sử dụng thang đánh giá, thang điểm sẽ khiến CV xin việc trở nên sáo rỗng, thiếu minh chứng. Nhà tuyển dụng muốn biết mức độ thành thạo, khả năng vận dụng kỹ năng của bạn như thế nào.

Để làm rõ mức độ thành thạo kỹ năng, bạn sử dụng tính từ mô tả mức độ thành thạo và đưa vào những hành động, ví dụ, tình huống vận dụng, link sản phẩm, chứng chỉ để minh chứng.

Ví dụ: vị trí Kỹ sư dầu khí

- Phối hợp làm việc: trao đổi, làm việc kết hợp với đồng nghiệp để đảm bảo tiến độ công việc chung và các chuyên gia địa chất môi trường và địa kỹ thuật.

- Giải quyết vấn đề: đứng trước một vấn đề phát sinh trong quá trình khoan và khai thác dầu khí, tư duy và đánh giá các phương án xử lý khác nhau để lựa chọn phương án tốt nhất.

1.5. Học vấn thiếu nổi bật

Phần lớn ứng viên chỉ viết mục Học vấn trong CV xin việc bao gồm: trường, chuyên ngành, điểm GPA. Tuy nhiên, thực tế bạn có thể tận dụng tối đa mục này bằng cách đưa vào:

- Các dự án, bài tập trên trường.

- Điểm các môn chuyên ngành.

- Kiến thức được học phục vụ cho công việc.

Ví dụ:

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, 2019 - 2023

Chuyên ngành Công trình biển

GPA: 3.5/4.0

Điểm một số môn chuyên ngành:

- Thủy động lực học công trình ngoài khơi: 3.5/4.0

- Kỹ thuật biển sâu: 3.5/4.0

- Các kết cấu nổi: 3.5/4.0

- Phương pháp thống kê và Quản lý rủi ro: 3.5/4.0

1.6. Liệt kê hoạt động, sở thích không phù hợp

Khi tạo CV xin việc, rất nhiều ứng viên liệt kê hoạt động, sở thích trong CV một cách thiếu chọn lọc. Tương tự kinh nghiệm, khi viết hoạt động, bạn cũng cần lọc ra những công việc đem lại kinh nghiệm trực tiếp và công việc không đem lại kinh nghiệm trực tiếp nhưng đem lại kỹ năng chuyển đổi. Với sở thích, bạn chỉ nên đưa vào những sở thích hỗ trợ bạn hoàn thành tốt công việc.

Ví dụ: vị trí Khảo sát địa chất, địa hình

Sở thích

- Vẽ bản đồ địa hình, địa vật, các chi tiết trên mặt đất.

- Theo dõi các tin tức về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai.

1.7. Bỏ qua mục dự án

Dự án cá nhân, dự án trong câu lạc bộ, đội nhóm, tại trường cũng đem lại cho bạn các kỹ năng và kiến thức bên cạnh kinh nghiệm làm việc tại một công ty nhất định. Vì thế, hãy tận dụng tối đa những điều này để thể hiện tiềm năng phát triển và sự nỗ lực của bản thân, đặc biệt là với các bạn thực tập, sinh viên chưa có/ít kinh nghiệm.

Ví dụ: vị trí Chuyên gia an toàn và môi trường

Dự án: "Xây dựng các phương án cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch", 2020 - Hiện nay

- Đánh giá các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Từ đó, xây dựng các phương án cải thiện môi trường nước tương ứng với quy mô ngân sách khác nhau.

- Cùng nhóm gồm 20 người, lên kế hoạch và thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch trong phạm vi ngân sách và nhân lực từ năm 2020.

2. Nộp CV bao lâu thì được gọi phỏng vấn?

Chờ đợi khiến nhiều bạn lo lắng không biết nhà tuyển dụng đã đọc CV của mình chưa, CV của mình bị lạc hay đã bị loại, bối rối không biết có nên liên hệ nhà tuyển dụng để hỏi kết quả.

Khi này, bạn nên liên hệ lại với nhà tuyển dụng để hỏi về kết quả CV khi: qua ngày hẹn trả kết quả như nhà tuyển dụng đã báo trước, hoặc sau 5 - 7 ngày làm việc từ khi gửi CV nếu nhà tuyển dụng không hẹn lịch phản hồi kết quả CV.

Bạn nên gọi điện trực tiếp thay vì tiếp tục liên hệ qua Email, và tránh liên hệ qua nhiều kênh cùng lúc khiến luồng trao đổi bị rối và ảnh hưởng đến công việc chính của nhà tuyển dụng:

- Chào hỏi, giới thiệu tên và vị trí ứng tuyển.

- Hỏi tình trạng CV xin việc. Có thể đọc lại chính xác tiêu đề để nhà tuyển dụng tìm kiếm nhanh.

- Dù kết quả thế nào, bạn luôn cần giữ thái độ bình tĩnh, tôn trọng quyết định của nhà tuyển dụng.

- Nếu kết quả không như mong muốn, hãy hỏi lý do CV không được nhận, đóng góp của nhà tuyển dụng với CV của mình, đồng thời, nhanh chóng ghi chú lại những nhận xét, đánh giá.

- Cuối cùng, không quên cảm ơn nhà tuyển dụng đã cung cấp thông tin và dành thời gian đưa lời khuyên cho mình.

Hy vọng, bài viết trên sẽ giúp bạn cải thiện, nâng cấp cách viết CV xin việc của mình. Với những công việc đã ứng tuyển nhưng chưa nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng, hãy xử sự chuyên nghiệp vì điều này thể hiện thái độ cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Hãy tập trung nâng cấp năng lực bản thân, để khi cơ hội việc làm chất lượng đến, hãy cập nhật CV và mạnh dạn ứng tuyển bạn nhé.