Các kỹ năng cần có trong CV để chinh phục nhà tuyển dụng
17/04/2024
Kỹ năng thường được biết đến là khả năng hoàn thành một công việc gì đó trong khoảng thời gian nhất định với kỹ thuật, cách xử lí tốt. Kỹ năng là một mục không thể thiếu trong CV xin việc. Vậy cụ thể các kỹ năng cần có trong CV xin việc là gì? Nên trình bày như thế nào? Mời bạn đọc ngay bài viết dưới đây để nắm được các tips viết phần kỹ năng khiến nhà tuyển dụng hài lòng nhé.
I. Vì sao cần ghi các kỹ năng trong CV
Kỹ năng thường được biết đến là khả năng hoàn thành một công việc gì đó trong khoảng thời gian nhất định với kỹ thuật, cách xử lí tốt.
Với mỗi vị trí làm việc, nhà tuyển dụng đều đưa ra những yêu cầu riêng nhằm tìm kiếm người phù hợp với công ty và công việc. Để tìm ra người đó, nhà tuyển dụng thường sẽ nhìn vào kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên để xem xét. Vậy nên, kỹ năng trong CV là một phần rất quan trọng.
Kỹ năng được chia ra làm hai loại là kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Kỹ năng chuyên môn sẽ được nhà tuyển dụng phán đoán dựa trên kinh nghiệm làm việc, các thành tựu và giải thưởng bạn đã nêu ra trong CV. Kỹ năng mềm là thứ nhà tuyển dụng khó có thể nhìn ra trong một trang giấy A4 có rất nhiều thông tin, vậy nên việc bạn cần làm là liệt kê, trình bày chúng ra một cách ngắn gọn, thuyết phục.
II. Điểm danh các kỹ năng cứng cần có trong CV
1. Kỹ năng ngoại ngữ
Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, các công ty đa quốc gia, công ty liên doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài rất phát triển. Không những thế, các công ty, doanh nghiệp trong nước cũng chú trọng thúc đẩy liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để làm phong phú thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vậy nên, có ngoại ngữ gần như là yếu tố hàng đầu và tiên quyết của các công ty hiện nay.
Về cơ bản, tiếng Anh đầu ra của các trường đại học cũng đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của nhà tuyển dụng. Thế nhưng, có một số vị trí công việc vẫn cần người có bằng cấp về ngoại ngữ. Chứng chỉ tiếng Anh hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác sẽ là điểm thu hút nhà tuyển dụng trong CV của bạn. Hãy cố gắng trau dồi ngoại ngữ để tăng cơ hội trúng tuyển, deal được lương cao và phát triển bản thân bạn nhé.
2. Kỹ năng tin học văn phòng
Đây cũng là kỹ năng cứng tối thiểu mà một sinh viên mới ra trường cần có. Đa số nhân viên của các công ty, doanh nghiệp hiện nay đều làm việc trên máy tính với các công cụ, ứng dụng hỗ trợ. Nếu bạn không có kỹ năng tin học văn phòng thì rất khó để làm việc. Không những thế, kỹ năng này còn giúp bạn nâng cao hiệu suất công việc và tương tác tốt hơn trong môi trường công nghệ hiện đại, kỹ thuật số ngày càng phát triển.
3. Khả năng viết lách, làm báo cáo
Viết lách hay viết báo cáo thường không phải là việc làm hằng ngày mà sẽ thực hiện theo tuần, theo tháng. Tuy nhiên đây cũng là một kỹ năng quan trọng vì mỗi báo cáo chuyển lên cấp trên đều phải chỉn chu, rõ ràng, tỉ mỉ và logic, văn phong phù hợp, đúng mực. Khả năng này thường được rèn luyện trong quá trình đi thực tập, đi làm của ứng viên.
4. Khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng của ngành
Với mỗi chuyên ngành, có rất nhiều phần mềm, ứng dụng cụ thể phục vụ cho công việc. Ví dụ như ngành kế toán có phần mềm tính toán chuyên dụng, IT có các phần mềm hỗ trợ viết code, lập trình, ngành thiết kế cần biết sử dụng render, photoshop,... Ứng viên cần phải sử dụng thành thạo ít nhất từ 2-3 ứng dụng, phần mềm trở lên để giúp cho công việc được thực hiện trơn tru hơn, chứng minh hiệu suất và năng lực của bản thân.
III. Bật mí các kỹ năng mềm cần có trong CV để chinh phục nhà tuyển dụng
1. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất, cũng là điều tối thiểu mà một ứng viên tiềm năng cần có trong công việc. Giao tiếp không chỉ là nói chuyện phiếm thông thường mà còn bao gồm cả việc trao đổi thông tin với đồng nghiệp, thuyết trình kế hoạch, nói chuyện với khách hàng,... Khi có kỹ năng giao tiếp tốt, ứng viên sẽ được cấp trên tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ, có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân.
2. Kỹ năng tư duy phản biện
Tư duy phản biện là nhóm kỹ năng mới nhưng rất cần trong công việc. Người có kỹ năng này thường xem xét vấn đề trên nhiều góc độ khách quan, từ đó tìm ra những vấn đề, lỗ hổng còn tồn động để đưa ra bàn bạc với thái độ tích cực, mang tính chất xây dựng. Từ đó, công việc sẽ được hoàn thiện và chỉn chu ở mức độ cao, ít rủi ro và đem lại kết quả tối ưu nhất.
3. Kỹ năng làm việc nhóm
Với các nhiệm vụ khác nhau, nhân sự sẽ nhận được các yêu cầu khác nhau từ cấp quản lí. Có rất nhiều trường hợp, mọi người sẽ phải lập team để cùng giải quyết công việc. Lúc này, năng lực làm việc nhóm cần được phát huy với những kĩ năng cơ bản như: biết lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng các thành viên trong team, có trách nhiệm và chủ động trong công việc của mình, không để mọi người nhắc nhở,... Đây là những yêu cầu khá cơ bản khi làm việc nhóm mà chắc hẳn bạn đã được rèn luyện trong môi trường đại học. Hãy ghi nó vào để giúp CV của bạn ghi điểm hơn nhé.
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng hoàn thành công việc một cách suôn sẻ, trơn tru. Sẽ luôn có những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết. Khi đó, bạn cần phải bình tĩnh, xem xét đánh giá lại vấn đề trên mọi mặt và đưa ra cách giải quyết hợp lí, tối ưu nhất. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn hãy luôn chuẩn bị phương án B cho mọi tình huống, giữ cho mình sự bình tĩnh để làm chủ được những vấn để bất chợt phát sinh.
5. Kỹ năng quản lí thời gian
Người đi làm hiện nay vẫn thường rơi vào tình trạng "bị deadline dí" dẫn đến stress, căng thẳng, giảm hứng thú với công việc. Lí do của tình trạng này chính là do họ không có kỹ năng quản lí thời gian. Nếu phân bổ thời gian làm việc không hợp lí sẽ rất dễ rơi vào tình trạng công việc chất đống mà mãi chưa thể xong, hiệu suất công việc kém. Vậy nên cần phải có kỹ năng quản lí thời gian để cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, chia nhỏ thời gian để làm các việc khác nhau. Từ đó, hiệu quả công việc sẽ dần tăng cao, bạn cũng sẽ cảm thấy vui vẻ khi đi làm.
6. Kỹ năng lãnh đạo
Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng phải là người thuộc cấp quản lí mới cần có kỹ năng lãnh đạo nhưng thật ra đây là kỹ năng cần có ở mỗi người. Người có kỹ năng lãnh đạo thường sẽ có sự quyết đoán, chính trực, công bằng, nhạy bén và biết bao quát chung. Khi có sẵn kỹ năng này, bạn sẽ dễ dàng thăng tiến trong tổ chức, được coi trọng hơn rất nhiều. Vậy nên nếu chưa có kỹ năng này để ghi vào trong CV thì hãy rèn luyện nó ngay bây giờ nhé.
IV. Những lưu ý khi viết kỹ năng trong CV
Những kỹ năng đưa ra phải phù hợp với ngành nghề, vị trí công việc định apply. Tránh việc đưa ra quá nhiều kỹ năng không cần thiết khiến cho CV của bạn trở nên dài dòng, lan man, không phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Chỉ chọn khoảng 5-6 kỹ năng nổi bật nhất của bản thân để ghi vào CV. Vì có những kỹ năng bạn thành thạo, cũng có những kỹ năng vẫn đang trong quá trình rèn luyện học tập. Vậy nên chỉ cần ghi những điều mình đã biết, thành thạo để phát huy nó khi được tuyển dụng. Tránh ghi nhiều rồi sau đó không làm được, gây mất thiện cảm với công ty, doanh nghiệp.
Trình bày các kỹ năng trong CV cần ngắn gọn, dễ nhìn, ưu tiên cách liệt kê, biểu thị phần trăm bằng hình ảnh, sơ đồ, đường kẻ đơn giản. Đây là cách giúp nhà tuyển dụng nắm được bạn đã thành thạo bao nhiêu phần của kỹ năng, cũng tránh cho CV rơi vào kiểu liệt kê nhàm chán, dài dòng.
Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm là ba chiếc chân vững chắc để bạn bước vào doanh nghiệp trong mơ của mình. Vậy nên hãy cố gắng rèn luyện, tích lũy ba yếu tố đó để trở thành một nhân sự giỏi, có triển vọng trong tương lai. Nếu còn thắc mắc về cách viết một bản CV, bạn có thể tham khảo các bài viết khác trong loạt bài hướng dẫn của chúng tôi.